Vị tết ở quê nhà

Phố vắng lên đèn
Phố mờ mờ sương 
Người đi dưới phố 
Mà lòng người mờ sương hơn phố…


Sài Gòn mấy bữa nay lạnh! Những cơn gió se sắt đuổi bắt nhau trên những dãy phố dài tưởng như vô tận, bầu trời đùng đục một màu xám tro lạnh lẽo. Chỉ như vậy thôi cũng đã làm nên mùa đông của Sài Thành. Dù rằng nó chẳng thấm vào đâu so với cái giá lạnh buốt da buốt thịt của Hà Nội nhưng cũng đủ cho những kẻ tha hương cảm thấy tê tái. Những kẻ mà lâu lắm rồi chưa được chạm vào mùa đông, những kẻ phải gói ghém lòng mình trong những vỏ bọc sắt đá để đi tìm ước mơ nơi chân trời mới. Có người thành công, có người thất bại, có người vẫn đang chơi vơi trong hành trình ước mơ của chính mình. Dù cho đang đứng ở vị trí nào của lộ trình đi tới hạnh phúc thì những con người đấy đều có chung một nỗi niềm riêng se sắt như nhau: đó là nỗi nhớ quê hương da diết, đó là niềm ước ao được một lần nữa sống trong hương vị Tết quê nhà.

Nếu như Sài Gòn chợt mưa chợt nắng đỏng đảnh như cô gái mới lớn thì Hà Nội lại kiêu kì như nàng thiếu nữ đang ở độ tuổi xuân thì chin chắn và sâu sắc. Nhiều người cho rằng Hà Nội đẹp nhất mùa thu. Mùa với những cơn gió dịu dàng mát lạnh như cốc thạch để lạnh óng ánh sắc vàng, với hình ảnh “ bầy Sâm Cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” , với hàng cây ven đường xào xạc trút lá giăng mắc khắp những con phố và lòng người. Thế nhưng khi đã đi xa đến hẳn một phương trời khác tôi mới hiểu ra rằng: điều mà tôi nhớ nhất không phải là trời thu lộng lẫy mà lại là cái không khí ám ảnh của những ngày giáp Tết.

 

 
Nhớ đến quay quắt cái mảnh trời u ám, mây đặc quánh từng cục cảm tưởng như giơ tay lên là với được ở vùng quê ngoại thành. Nhớ cái mùi âm ẩm, ngai ngái cùng những cơn gió mùa Đông Bắc lạnh đến tê lòng. Dù là hai tay run lâp cập vì lạnh mà lòng thì cứ háo hức nhảy chân sáo theo bà đi chợ phiên - phiên chợ những ngày giáp Tết như gói trọn hồn cốt của cả nền văn hóa Bắc Bộ. Người bán kẻ mua tấp nập, những cành đào chúm chím khoe sắc, những chậu quất được tỉa tót cầu kì, đôi áo len rực rỡ sắc màu mà không đứa trẻ nào có thể rời mắt, những thức quà dân dã giản dị như: bát cháo quẩy nóng hổi, cặp bánh rán tẩm đường vàng ươm, đôi bánh giầy tròn mấy kẹp giữa là miếng giò nhỏ xinh ... thứ mà có lục tung cả Sài Gòn lên cũng không tìm được hoặc tìm được nhưng không thể nào có được vị như thế. Vị của quê nhà!

Nhớ đến những tháng ngày còn cắp sách đến trường, buổi học cuối trước khi nghỉ tết bao giờ cũng bồi hồi đầy cảm xúc. Ngồi trong lớp mà cứ nhấp nhổm theo tiếng trống của đoàn người tập múa lân múa rồng. Rồi khi các bạn khoe những bộ áo quần mới được ba mẹ mua cho diện chưng tết mà lòng cảm thấy lo lắng khi lứa gà cuối năm mẹ chưa bán hết, ba đi làm xa ở tỉnh chưa về, không biết tết này có được mua đồ mới không? Tâm trạng bùi ngùi buồn man mác cho đến lúc trống trường đã điểm, tạm quên đi hết những nỗi sầu bất chợt ấy mà chạy ùa về nhà cùng bà dọn nhà đón Tết.


 

 

Nhớ đến những chiều cuối năm cả nhà quay quần bên nhau để cùng gói bánh chưng. Lăng xăng theo chân mẹ từ khâu rửa lá đến chẻ lạt dù bị mắng đến bao nhiêu lần vì cái tội hấp tấp làm rách lá. Vậy mà miệng cứ toe toét đến tận mang tai vì được tự tay làm một chiếc bánh nho nhỏ cho riêng mình. Những chiếc bánh vuông thành sắc cạnh dưới tay nghệ nhân là ông nội được ra đời. Cả nhà lại cùng nhau thức để trông nồi bánh chưng, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm cũ những câu chuyện của những ngày xưa. Dù là buồn ngủ đến díp mắt lại nhưng vẫn cứ cố thức, gối đầu lên chân bà mà miệng lẩm nhẩm khi nào thay nước bánh bà nhớ gọi con rồi từ từ chìm sâu vào một giấc mộng cổ tích tuyệt đẹp nào đó.

Và có lẽ không ai có thể quên được thứ hương ấy - một thứ hương đặc trưng của những ngày Tết miền Bắc. Đó là mùi hương trầm ấm áp trong những chiều 30 Tết hòa quyện trong bầu không khí ngày đông lạnh giá. Một thứ hương mà nó chứa đựng được quá nhiều điều không thể nói hết được: một chút gì đó thành kính của tấm lòng con cháu luôn nhớ về cội nguồn, một chút gì đó ấm áp sum vầy khi cả nhà sau một năm vất vả lại quay quần bên nhau và có cả một chút gì linh thiêng mà người ta vẫn gọi là quê hương. Tất cả những hương vị ấy tạo lên một thứ hương đặc biệt lan tỏa theo thời gian , men theo cả không gian và ẩn sâu vào kí ức của mỗi người. Để rồi khi đã đi đến một nơi thật xa rồi, bất chợt gặp đâu đó thứ hương quê ấy mà lòng lai thấy rưng rưng đến lạ kì.

Rồi cũng sẽ đến lúc chẳng đếm nổi được mình đã đón bao nhiêu cái Tết xa nhà . Ai rồi cũng phải lớn lên, cũng phải bước đi trên con đường dành riêng cho mình. Nhưng có lẽ trong thâm tâm của mỗi người con xa quê như tôi, hình ảnh của ngày tết quê nhà: âm thanh ấy, màu sắc ấy, hương vị ấy mãi mãi là những kí ức đẹp nhất ru lòng mình luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ về chốn quê hương thanh bình của riêng mình.

 

 

Nụ Tầm Xuân Sweetyflower

Địa chỉ: Hưng Ngân Garden 48A Dương Thị Mười, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM

Hotline: 0979.472.724 - 0903.553.275​ (Ms Thùy)

Email: info@sweetyflower.com

Website: www.sweetyflower.com - www.nutamxuan.com

 

 

Các bài đăng khác